LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/05/1954 - 7/05/2024) TƯ TƯỞNG “ĐÁNH CHẮC THẮNG” LÀM NÊN THẮNG LỢI QUYẾT ĐỊNH
Publish date 26/03/2024 | 15:42  | View Count: 278

Ngay sau khi phát hiện quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”, tháng 12-1953, Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phân công Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn rất kỹ trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận: “... trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Đây là tư tưởng chỉ đạo hết sức đúng đắn, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Lúc này, xét về tương quan lực lượng và thực tiễn trên chiến trường cho thấy, chúng ta có đủ điều kiện để tạo sức mạnh hơn địch; hơn nữa, thắng-bại của Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với cục diện chiến tranh. Vì vậy, “chỉ có thắng chứ không được bại”. Tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, đem lại niềm tin, nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bảo đảm chiến dịch đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tư tưởng “đánh chắc thắng” đó được xây dựng trên cơ sở khoa học từ nhiều yếu tố, trong đó nguyên tắc “mạnh được, yếu thua” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt lên hàng đầu. Trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, ta có đủ những yếu tố tạo nên sức mạnh hơn hẳn địch để chiến thắng, đặc biệt là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần. Đó chính là sự đánh giá chính xác về thế và lực của cả địch và ta lúc đó. Nếu chủ trương của ta trước đây là tránh những nơi địch mạnh, chọn những hướng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu để tiến công tiêu diệt địch, thì bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã tập trung đại bộ phận chủ lực tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Nếu các cuộc tiến công của ta trong thời kỳ đầu, hình thức tác chiến chủ yếu là đánh vận động và đánh công sự vững chắc nhỏ, thì trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến là đánh công sự vững chắc quy mô rất lớn và có tính chất trận địa.

Sau khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra là xác định phương châm tác chiến chiến dịch. Thời gian đầu, khi địch mới chiếm đóng chưa kịp củng cố về mọi mặt, bố trí lực lượng, công sự trận địa chưa vững chắc, ta chủ trương tranh thủ thời gian tập trung lực lượng đột phá vào các vị trí đóng quân của địch, có hướng đột kích chủ yếu, hướng thứ yếu, hướng phối hợp, đánh thẳng vào trung tâm, chia cắt tập đoàn cứ điểm rồi tập trung binh, hỏa lực tiêu diệt bộ phận quan trọng nhất, sau đó tiêu diệt bộ phận còn lại, hoàn thành tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, ta thường xuyên theo dõi tình hình địch, đồng thời kiểm tra lại khả năng của ta và phát hiện địch đã tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa, tổ chức phòng ngự khá vững chắc. Nắm vững tư tưởng “đánh chắc thắng”, sau khi xem xét khả năng của ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định lùi thời gian nổ súng để Đảng ủy Chiến dịch bàn lại phương châm tác chiến.

Ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc họp Đảng ủy Chiến dịch và kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Phương châm này đã được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí. Trong kết luận tại hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 22-2-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: “a) Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?... Trước đây, khi địch còn tương đối sơ hở thì còn có thể đặt vấn đề đánh nhanh, nhưng với tình hình địch hiện nay thì chỉ có đánh chắc, tiến chắc mới giành thắng lợi, nhất định không thể đánh nhanh. Đánh nhanh thì không những không chắc thắng mà lại hóa chậm hơn... b) Đánh chắc, tiến chắc thì có lợi như thế nào? Một là, đánh từng bước thì bảo đảm chắc thắng... Hai là, ta giữ chủ động... Ba là, ta khoét sâu nhược điểm lớn nhất của địch là vấn đề tiếp tế vận tải... Bốn là, hợp với trình độ bộ đội... Vì vậy, để đánh thắng trận này, chỉ có thể có một phương châm là đánh chắc, tiến chắc”.

Theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thì Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch tiến công trận địa, quy mô rất lớn, gồm nhiều trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiếp diễn trong một thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh, hỏa lực tiêu diệt từng bộ phận quân địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại mới, vì bộ đội ta đã được chuẩn bị “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, khi thay đổi phương châm thì công tác chuẩn bị phải làm lại từ đầu, chiến dịch sẽ kéo dài, khó khăn trong việc cung cấp, vận chuyển, tiếp tế... Từ đó, sẽ có tác động đến tư tưởng bộ đội. Tuy nhiên, so sánh lực lượng giữa ta và địch thì ta có ưu thế về binh lực, và đánh từng bước thì ta có thể tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực, hỏa lực vào từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng cho từng trận chiến đấu và phù hợp với trình độ của bộ đội ta. Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta sẽ luôn giữ được thế chủ động, có thể khoét sâu nhược điểm của địch về tiếp tế. Nếu ta từng bước thắt chặt vòng vây, hạn chế rồi tiếp đến triệt hẳn nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch, làm cho chúng bị cô lập, suy yếu, tạo điều kiện cho quân ta tiến công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Thực hiện tư tưởng “đánh chắc thắng”, ở Điện Biên Phủ ta tăng thêm lực lượng bộ binh và pháo binh nhằm bảo đảm ưu thế cả về binh lực, hỏa lực; bố trí lại trận địa pháo binh và pháo cao xạ; xây dựng trận địa tiến công của bộ binh và trận địa pháo binh bảo đảm chiến đấu dài ngày, chống bom, pháo địch, tuyệt đối giữ bí mật việc ta chuẩn bị đưa pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm; tổ chức huấn luyện kỹ thuật xây dựng trận địa tiến công dưới tầm hỏa lực địch; kỹ thuật, chiến thuật đánh ở chiến hào, giao thông hào, đánh địch phản kích, giữ trận địa... cho bộ binh; bảo đảm cấp dưỡng để tăng cường và duy trì sức mạnh chiến đấu của bộ đội cũng như việc bổ sung quân số, trang bị, vũ khí để chiến đấu được liên tục, dài ngày.

Thực tiễn cho thấy, việc thay đổi phương châm tác chiến là một quyết định đúng đắn, quán triệt tư tưởng "đánh chắc thắng". Chính điều đó đã mở đường cho chiến dịch đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ta luôn giữ quyền chủ động tiến công. Bộ chỉ huy Chiến dịch đã chọn hướng tiến công chủ yếu mở đầu chiến dịch chính xác. Đợt 1 của chiến dịch, để bảo đảm chắc thắng, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã tập trung ưu thế tuyệt đối về binh lực, hỏa lực tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, kêu gọi địch ở Bản Kéo ra hàng. Đến đợt 2 của chiến dịch, tiếp tục quán triệt tư tưởng “đánh chắc thắng”, Bộ chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị trên các hướng tổ chức chấn chỉnh lại lực lượng, làm tốt công tác tư tưởng, động viên bộ đội kịp thời; đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng trận địa tiến công; tiến hành bao vây kết hợp với đột phá tiến công, tiêu diệt lần lượt các cứ điểm, cụm cứ điểm địch, từng bước siết chặt vòng vây và triệt đường tiếp tế của địch, đẩy chúng vào thế khó khăn và bị cô lập hoàn toàn. Bước vào đợt 3 của chiến dịch, quân ta tiếp tục đánh chiếm cụm cứ điểm cuối cùng của địch ở phía Đông và nắm thời cơ, tập trung lực lượng tổng công kích giành thắng lợi quyết định.

Đại tá, Ths ĐỖ VĂN HINH (Cán bộ Viện Lịch sử Quân sự)

#Dongdaxuavanay