LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Tạo "thế" và "thời" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Publish date 12/04/2024 | 17:41  | View Count: 222

Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp bị thất bại liên tiếp và ngày càng lâm vào thế bị động về chiến lược, vùng chiếm đóng bị thu hẹp.

Nhưng với bản chất hiếu chiến, ngoan cố và được sự giúp sức của Mỹ, thực dân Pháp đã đẩy mạnh quy mô và cường độ của cuộc chiến tranh xâm lược bằng Kế hoạch Navarre với hy vọng “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng.

Nghiên cứu toàn bộ diễn biến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, chúng ta thấy điểm quan trọng nhất của Kế hoạch Navarre là tập trung binh lực xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh để chuyển sang tiến công lớn tiêu diệt chủ lực ta ở chiến trường vào thời điểm do quân Pháp lựa chọn.

Ngược lại, chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là khắc phục mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện và sử dụng mọi biện pháp để giữ vững và phát triển quyền chủ động nhằm phá vỡ khối cơ động tập trung của địch, điều từng bộ phận địch đến những hướng khác nhau để ta tiêu diệt theo phương châm “tiêu diệt sinh lực địch là chính”.

Địch muốn tập trung quân, ta bắt địch phải phân tán; địch muốn tác chiến ở chiến trường đồng bằng, ta buộc địch phải điều quân lên rừng núi... Ta nhằm hướng sơ hở, hiểm yếu của địch để tiến công tiêu diệt từng bộ phận, nhằm tiêu hao sinh lực và phá vỡ thế trận của chúng; đồng thời tăng cường lực lượng và thế trận của ta.

Bí mật kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao vào Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu

Điểm nổi bật trong chỉ đạo tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích; giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, giữa chiến trường miền Bắc với chiến trường miền Trung và miền Nam, giữa các hướng chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

Sự chỉ đạo kết hợp hai phương thức chiến tranh của chiến lược đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vừa có chiều rộng, chiều sâu, vừa có khả năng tập trung cao lại có thể nhanh chóng phân tán khi cần. Do vậy, đã hình thành mặt trận chính diện, mặt trận sau lưng địch, chiến trường chính, chiến trường phối hợp trên toàn lãnh thổ Việt Nam và toàn Đông Dương.

Qua đó phát huy tối đa sức mạnh của 3 thứ quân, chỉ đạo các chiến trường, các mặt trận phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau trong một kế hoạch chiến lược, tạo nên thế trận rất hiểm để phá vỡ thế trận và chiến lược của địch, tiến tới đánh bại chúng.

Như vậy, sự chỉ đạo tác chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 rất đúng đắn, kiên quyết, sáng tạo và linh hoạt. Ta đã thành công trong việc điều động, phân tán địch trên 5 chiến trường với 5 đòn tiến công chiến lược, trong đó Tây Bắc là hướng chính. Quả đấm mạnh của địch đã bị xòe ra thành 5 ngón tay, hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp bị phân chia ra các chiến trường trên toàn cõi Đông Dương.

Đặc biệt, đòn tiến công của ta lên Tây Bắc buộc địch phải phân tán lực lượng lên Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm (Điện Biên Phủ lúc đầu không có trong Kế hoạch Navarre, nay trở thành trung tâm điểm, chứng tỏ Kế hoạch Navarre đang bị đảo lộn). Ngay sau đó, ta chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược để kết thúc chiến tranh. 

Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lớn, có nhiều binh lực gồm những đơn vị thiện chiến, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, vật cản phức tạp, có thế liên hoàn chi viện ứng cứu lẫn nhau, ngoài ra còn được không quân chi viện tối đa. Đến đầu tháng 3-1954, lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ là 20 tiểu đoàn, phần lớn là lính Âu-Phi được bố trí ở 49 cứ điểm, với sự hỗ trợ, tiếp tế của 80% số máy bay Pháp ở Đông Dương.

Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã tập trung mọi cố gắng để xây dựng Điện Biên Phủ thành “cối xay thịt” nhằm nghiền nát các đơn vị chủ lực của ta, giáng đòn quyết định, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán nhằm rút khỏi cuộc chiến tranh trên thế thắng. Điện Biên Phủ đã trở thành “điểm hẹn lịch sử” giữa quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược cùng can thiệp Mỹ.

Mặc dù chiến lược đã tạo ra thế và thời cơ có lợi cho ta, nhưng phải đánh như thế nào để có thể tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở thời điểm đó và bảo đảm chắc thắng là điều không dễ. Sau khi nghiên cứu tình hình một cách toàn diện, cân nhắc thận trọng và nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi vào chiến dịch: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch thảo luận và nhất trí hoãn cuộc tiến công, chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Đây là một quyết định mang tính lịch sử và hoàn toàn đúng đắn, nhưng cũng là một quyết định rất khó khăn về mặt tư tưởng đối với bộ đội, nhất là trong điều kiện lực lượng ta đã áp sát mục tiêu tiến công lại phải dừng lại để rút ra chuẩn bị kỹ hơn về vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men và cách đánh.

Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” không những bảo đảm chắc thắng cho từng trận đánh, mà điều quan trọng hơn là giảm đến mức thấp nhất sự tổn thất, hy sinh của bộ đội trong chiến đấu, bảo đảm khi thời cơ xuất hiện, ta có đủ thế và lực để tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. Về chiến thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra phương pháp tổ chức đánh từng bước, tập trung binh lực nhằm tạo ra ưu thế lớn để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch.

Để giảm sức mạnh hỏa lực của địch, phát huy sức mạnh hỏa lực của ta, ta tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội triển khai vận động ngay dưới bom đạn địch; đưa pháo binh vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ tích cực đối phó có hiệu quả với không quân địch.

Bằng những phương pháp đó, ta đã ngăn chặn dần và đi đến triệt nguồn tiếp viện của địch tại Điện Biên Phủ. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu anh dũng, vượt qua muôn vàn gian khổ, ngày 7-5-1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới góc độ nghệ thuật quân sự, thắng lợi đó là sự kế thừa, phát triển kinh nghiệm truyền thống của ông cha lên một tầm cao mới trên cả 3 phương diện: Chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Thắng lợi đó là kết quả của sự chỉ đạo tác chiến chiến lược đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ việc “chọn nơi địch sơ hở mà đánh” nhằm phân tán, làm suy yếu lực lượng địch, đến quyết định nhằm vào căn cứ mạnh nhất của địch ở Đông Dương là Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để đánh trận quyết chiến chiến lược với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Thành công nổi bật của phương châm chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ là đã không để địch tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ, mà phân tán lực lượng của chúng ra nhiều hướng để tiêu diệt, tiêu hao và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.